Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thỏa: “Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần không mới, quan trọng là tính toán đúng, đủ chi phí đầu vào để xác định tăng, giảm ra sao”

28/03/2024
0

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó, giá điện có thể sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện tối thiểu là 3 tháng

Theo Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg, giá bán điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành - quản lý ngành, các khoản chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Cần cơ chế để xác định giá điện tăng hay giảm

Theo các chuyên gia, giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, nên việc điều chỉnh cần được tính toán, cân nhắc kỹ lương nhằm tránh những tác động bất lợi không đáng có đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động của sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Trước đó, tham gia ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về giá điện do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo, chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) cho rằng đã đến lúc sử dụng "nguyên tắc thị trường" để tính toán giá điện.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) Nguyễn Tiến Thỏa

Cũng theo ông Thỏa, quy định 3 tháng điều chỉnh giá 1 lần không mới, đã đề xuất từ năm 2011. Nhưng thời gian không phải là yếu tố quyết định giá tăng hay giảm mà là các yếu tố đầu vào.

"Trong thực tế, quy định 6 tháng xem xét điều chỉnh giá một lần đã không thực hiện được, nay bảo 3 tháng, tôi e là khó thực hiện. Có thể hiểu là động thái rà soát lại các chi phí sản xuất điện trong 3 tháng 1 lần", Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ lo ngại.

Bên cạnh đó, ông  Nguyễn Tiến Thỏa cũng đặt vấn đề, không phải tự nhiên mà dự thảo của Bộ Công thương "kéo" các bộ, ngành khác vào cùng kiểm tra, rà soát giá do EVN đề xuất. Vì rà soát hằng quý, có gì biến động phải tính tiếp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Chứ cứ mỗi năm tăng giá điện 4 lần, chắc chắn nền kinh tế khó chống chịu nổi.

"Ngoài ra, phần chênh lệch tỷ giá cần được đánh giá lại, tính toán đưa vào hằng năm nhưng tránh gây sốc cho giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến lạm phát", Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thỏa khuyến nghị.

Từ những bất cập có nguy cơ nảy sinh trong thực tế liên quan đến giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng cần sớm có thị trường bán lẻ cạnh tranh thì giá điện mới có thể lên xuống linh hoạt theo tín hiệu thị trường được. Giá điện hiện nay không thiếu cơ chế quản lý, chỉ làm đúng các quy định, ngành điện không đến nỗi phải chật vật lỗ chồng lỗ bế tắc vậy.

"Tại sao tôi nhấn mạnh yếu tố rà soát, tính đúng, tính đủ sớm? Vì trong lịch sử, khi thủy điện cạn kiệt, chúng ta phải dùng dầu để phát điện. Trong khi nếu tính đúng thì khi sử dụng dầu sản xuất điện, giá thành điện có thể vượt trên mốc 5.000 đồng/kWh; điện than khoảng trên 2.500 đồng/kWh… Chúng ta không thể duy trì một mức giá điện bao cấp được. Thực tế cho thấy, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có nguồn để đầu tư, phát triển, không thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành này", Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.

Theo MarketTimes

Viết bình luận của bạn:
hotline 024 36410056