Hội Thẩm định giá Việt Nam xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

18/01/2024
0

Chiều ngày 18/1, tại Lạng Sơn, Hội Thẩm định giá Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam lần thứ 3 - nhiệm kỳ IV. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính Phạm Văn Bình và các thành viên Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ IV.

Hội nghị Ban chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam lần thứ 3 - nhiệm kỳ IV

Theo Báo cáo của Hội Thẩm định giá Việt Nam (TĐGVN), kế thừa và phát huy kết quả của nhiệm kỳ III. Năm 2023, Hội Thẩm định giá Việt Nam tổ chức thành công Đại hội IV nhiệm kỳ (2023-2027) và tiến hành hành triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội IV; tổ chức hoạt động theo phương hướng đã được Ban Chấp hành Hội thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ I nhiệm kỳ IV.

Thành công vượt trội trong năm 2023

 Báo cáo của Hội TĐGVN nêu rõ, năm 2023 Hội hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên nhờ chủ động có những biện pháp khắc phục khó khăn, phát huy những thuận lợi, đoàn kết, bám sát phương hướng nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội IV đề ra và được toàn Hội đã phấn đấu đạt được nhiều kết quả trong triển khai tổ chức hoạt động.

Năm 2023, Hội Thẩm định giá Việt Nam tổ chức thành công Đại hội IV nhiệm kỳ (2023-2027)

Thành công trong hoạt động của Hội cơ bản là hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết của Ban Chấp hành đã đề ra cho năm 2023, trong đó thành công vượt trội, nổi bật được đánh giá tập trung ở 4 lĩnh vực.

Cụ thể, tham mưu, góp ý, phản biện, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giá trên một số lĩnh vực; Gắn kết với các hội viên, tham gia tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các hội viên bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên ngành TĐG cho học viên trong cả nước có nhu cầu và đào tạo cập nhật kiến thức hàng năm cho các thẩm định viên về giá; Công tác thông tin, tuyên truyền về giá và TĐG.

Trong các thành công trên thì thành công nổi bật nhất tạo được tiếng vang, nâng cao hơn được uy tín của Hội trong xã hội đó là toàn Hội, đặc biệt là Ban Chấp hành Hội đã tập trung trí tuệ nghiên cứu, tham mưu cho Phó Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không bãi bỏ phương pháp thặng dư để định giá đất, không dùng phương pháp hệ số để kiểm tra kết quả của các phương pháp định giá đất đất khác trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất đặc biệt là trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình ra Quốc Hội.

Trong năm 2023, Hội đã tham gia Tổ Biên tập Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì; Tham gia Tổ biên tập, Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định hướng dẫn Luật Giá về quản lý, điều tiết giá; Tham gia Tổ biên tập, Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định hướng dẫn Luật Giá về TĐG; Tham gia góp ý với Bộ Tài chính Dự thảo sửa đổi, bổ sung các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam từ Tiêu chuẩn số 01 đến 13 để khắc phục những bất cập, vướng mắc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn cho hoạt động TĐG.

Ngoài ra, Hội còn tham gia góp ý với Bộ TN&MT cho dự thảo Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 36/2014/TT-BTNMT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất; Góp ý với UBKT Quốc hội, UBPL Quốc hội, Văn phòng Chính phủ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về nguyên tắc phương pháp xác định giá đất.

Thành công nổi bật nhất tạo được tiếng vang, nâng cao hơn được uy tín của Hội trong xã hội đó là toàn Hội, đặc biệt là Ban Chấp hành Hội đã tập trung trí tuệ nghiên cứu, tham mưu cho Phó Thủ tướng Chính phủ chấp thuận không bãi bỏ phương pháp thặng dư để định giá đất, không dùng phương pháp hệ số để kiểm tra kết quả của các phương pháp định giá đất đất khác trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất đặc biệt là trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình ra Quốc Hội.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa

Hội cũng đã thực hiện công tác tư vấn chuyên môn về TĐG, về giá điện, giá xăng dầu; chỉ đạo xây dựng các phương án giá tư vấn về nước; giá các dịch vụ xử lý nước thải, rác thải; đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị định 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và đưa ra kiến nghị sửa đổi nhằm tăng cường cho chính sách giá dịch vụ thủy lợi ở Việt Nam…

Trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên và tạo sức lan tỏa cho cả ngành nghề thẩm định giá thông qua các giải pháp như: Góp sức cùng cơ quan quản lý Nhà nước về giá và TĐG xây dựng, sửa đổi các quy định của pháp luật về giá như: Luật Đất đai, Luật Giá, các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam…; Tổng hợp ý kiến của các hội viên để phản ánh, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG; Chủ động thực hiện liên kết, hướng dẫn, vận động các hội viên tuân thủ pháp luật về TĐG; Thông tin kịp thời tới các hội viên các nội dung cần tuân thủ pháp luật về TĐG; Trao đổi, tư vấn, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc về nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, các thẩm định viên và các việc cần chấn chỉnh đối với các thương vụ TĐG của một số doanh nghiệp hội viên. Tích cực tham gia một số doanh nghiệp trong trách nhiệm giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về kết quả TĐG tài sản; Thu thập những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG truyền tải đến các hội viên để có những giải pháp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh hoạt động TĐG của đơn vị mình, ngăn ngừa rủi ro, hoạt động có hiệu quả.

Hội Thẩm định giá Việt Nam được Bộ Tài chính tặng cờ thi đua vì những đóng góp trong nhiệm kỳ III

Ngoài những thành công nói trên, các hoạt động khác của Hội cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Tiếp tục tham gia công tác nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp hoạt động TĐG như: Tổ chức cuộc hội thảo với các doanh nghiệp hội viên về nội dung góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP về giá đất, Luật Đất đai quy định về các phương pháp định giá đất; sửa đổi các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam từ số 08 đến số 13; Tọa đàm khoa học về định giá bất động sản để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về chỉ số giá bất động sản Nhật Bản… Đồng thời tham dự nhiều cuộc hội thảo với các ngành về một số lĩnh vực có liên quan đến giá và TĐG như: Hội nghị trao đổi về công tác định giá trong tố tụng hình sự; Tham gia hội thảo với Bộ Tài chính về Dự thảo Luật Giá (Sửa đổi); Sửa đổi bổ sung các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam.

Lĩnh vực hợp tác quốc tế về TĐG cũng được quan tâm duy trì và mở rộng như duy trì quan hệ hợp tác với Ủy ban Tiêu chuẩn TĐG quốc tế IVSC, Hiệp hội TĐG ASEAN. Tham gia hội nghị thường niên của Hiệp hội TĐG ASEAN; Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với Hiệp hội TĐG Bất động sản Nhật Bản.

Trong năm qua Hội cũng đã đẩy mạnh công tác hoạt động của một số Ban chuyên môn như Ban Pháp chế, Ban Nghiên cứu và chuyển giao khoa học thẩm định giá đạt kết quả tốt. Thành lập Ban Hợp tác quốc tế, Khai trương trụ sở mới Văn phòng phía Nam của Hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và bổ nhiệm chức danh trưởng, phó Văn phòng phía Nam của Hội. Trong năm 2023 kết nạp thêm 7 đơn vị hội viên và 51 cá nhân.

Sẽ triển khai hàng loạt các nhiệm vụ trọng tâm trong 2024

Theo Báo cáo của Hội TĐGVN, từ 1/7/2024, Luật Giá, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Giá và các Tiêu chuẩn thẩm định giá được ban hành sẽ tạo môi trường pháp lý cho hoạt động TĐG thuận lợi hơn và hạn chế những rủi ro hiệu quả hơn.

Hội nghị đã xác định phương hướng hoạt động sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

Do đó, để thực hiện tốt quy định của Điều lệ Hội, Hội TĐGVN xác định phương hướng hoạt động sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất: Tiếp tục chủ động và tích cực trong công tác tư vấn phản biện chính sách; tham gia, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về TĐG nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về TĐG.

Thứ hai: Tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giá và các hội viên có các giải pháp thiết thực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, kiểm soát, đánh giá chất lượng hoạt động TĐG. Thực hiện các giải pháp liên kết các hội viên có hiệu quả hơn thông qua các hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học về TĐG; tổ chức nghiên cứu, tọa đàm, trao đổi, hội thảo chuyển giao kinh nghiệm trong TĐG; đào tạo, tập huấn, tháo gỡ những khó khăn về kiến thức, nghiệp vụ và thực tiễn cung ứng dịch vụ trong TĐG …

Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tập hợp những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG để cung cấp theo hướng “cảnh báo” những rủi ro nghề nghiệp cho các hội viên tìm các giải pháp chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG.

Thứ ba: Tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành TĐG xây dựng các chương trình đào tạo, quy mô phù hợp, sát nhu cầu của xã hội theo các hình thức đào tạo hợp lý theo những quy định mới của Luật Giá và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Kiến nghị Bộ Tài chính về nội dung cập nhật kiến thức năm 2024 cho các thẩm định viên về giá.

Thứ tư: Tiếp tục chú trọng triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực giá và TĐG bằng các hình thức thích hợp, trọng tâm là các quy định của pháp luật về TĐG.

Thứ năm: Hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG của các doanh nghiệp hội viên, phấn đấu tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và nghĩa vụ nộp ngân sách đạt mức năm 2024 cao hơn năm 2023; Xếp điểm chất lượng hoạt động TĐG của Bộ Tài chính đạt từ 80 điểm trở lên; Phấn đấu không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động TĐG.

Thứ sáu: Tiếp tục duy trì và phát triển hợp tác quốc tế về TĐG như duy trì hợp tác với các đối tác cũ, mở rộng thêm đối tác và mở rộng thêm lĩnh vực hợp tác khác.

Thứ bảy: Kiên trì phấn đấu xây dựng Hội phát triển trở thành “cầu nối” hữu ích giữa doanh nghiệp TĐG, thẩm định viên về giá với cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại.

Theo MarketTimes

Viết bình luận của bạn:
hotline 024 36410056